Chính quyền Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa Việt_Nam_Cộng_hòa

Theo Hiến pháp 1956, mô hình tổ chức nhà nước của Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa như sau:

Lập pháp

Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội được tổ chức đơn viện. Số lượng Dân biểu do Luật định. Dân biểu được bầu cử theo lối đầu phiếu phổ thông, trực tiếp và kín, theo những thể thức và điều kiện do đạo luật tuyển cử quy định. Nhiệm kỳ Dân biểu là ba năm. Các Dân biểu có thể được tái cử.

Trong tình trạng khẩn cấp, chiến tranh, nội loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, Quốc hội có thể biểu quyết một đạo luật ủy cho Tổng thống, trong một thời gian, với những hạn định rõ, quyền ký các sắc luật để thực hiện chánh sách mà Quốc hội ấn định trong đạo luật ủy quyền. Các sắc luật phải được chuyển đến Văn phòng Quốc hội ngay sau khi ký. 30 ngày sau khi mãn thời hạn đã ấn định trong đạo luật ủy quyền, nếu Quốc hội không bác bỏ, các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những đạo luật. [Điều 42]

Quyền hạn:

  • Biểu quyết các đạo luật, chấp thuận các điều ước và các hiệp định quốc tế.
  • Chỉ định một Ủy ban kiểm soát để phụ trách việc phúc trình về vấn đề kiểm soát tánh cách hợp thức cuộc bầu cử các Dân biểu.
  • Chỉ định các Ủy ban.
  • Ấn định nội quy, Tổ chức nội bộ Quốc hội và Văn phòng; Thủ tục Quốc hội và quyền hạn Văn phòng; Kỷ luật trong Quốc hội và các sự chế tài về kỷ luật; Thành phần và quyền hạn các Ủy ban.

Mỗi năm Quốc hội họp 2 lần, tổng thời gian 2 lần họp không quá 3 tháng. Lần 1 bắt đầu từ ngày thứ 2 đầu tiên trong tháng 4 dương lịch. Lần 2 bắt đầu ngày thứ 2 đầu tiên trong tháng 10 dương lịch. Ngoài ra có thể họp bất thường.

Hành pháp

Tổng thống nắm quyền hành pháp, do Nhân dân trực tiếp bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm, có thể được tái nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ. Mặc dù trong Hiến pháp 1956 có quy định “Chủ quyền thuộc về toàn dân” nhưng Đoạn 3, Điều 3 thì lại xác định “Tổng thống lãnh đạo quốc dân”

Tổng thống có các quyền:

  • Ký kết, và sau khi được Quốc hội chấp thuận, phê chuẩn các điều ước và hiệp định quốc tế.
  • Bổ nhiệm các sứ thần, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao, thay mặt Quốc gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc.
  • Với sự thỏa thuận của một nửa tổng số Dân biểu Quốc hội, Tổng thống tuyên chiến hoặc phê chuẩn hòa ước.
  • Bổ nhiệm và cách chức tất cả các công chức dân sự và quân sự. Thành lập Nội các.
  • Là tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự.
  • Ban các loại huy chương.
  • Có quyền ân xá, ân giảm, hoán cải hình phạt và huyền án.
  • Có thể gia hạn nhiệm kỳ dân biểu.
  • Có thể dự các phiên họp Quốc hội và tuyên bố trước Quốc hội.
  • Mỗi năm vào đầu khóa họp thường lệ thứ nhì và mỗi khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia và chánh sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ.
  • Với sự thỏa thuận của Quốc hội, Tổng thống có thể tổ chức trưng cầu dân ý.
  • Tổng thống có thể ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau trong một số trường hợp nhất định.
  • ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm trong một hay nhiều vùng; các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo luật tại những vùng đó.

Tư pháp

  • Tòa án

Ngành Tư pháp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng của mọi người trước pháp luật và nguyên tắc độc lập của Thẩm phán xử án. [Điều 70] Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm mình, trong sự tôn trọng luật pháp và quyền lợi Quốc gia.

Hệ thống Tòa án nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Pháp.

  • Đặc biệt Pháp viện

Đặc biệt Pháp viện là một tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử Tổng thống, Phó Tổng thống, Chánh án Tòa Phá án và Chủ tịch Viện Bảo hiến trong trường hợp bị can phạm tội phản quốc và các trọng tội.

Đặc biệt Pháp viện gồm có: Chánh án Tòa Phá án, Chánh án; Mười lăm Dân biểu do Quốc hội bầu ra mỗi nhiệm kỳ, Hội thẩm. Khi Chánh án Tòa Phá án là bị can, Chủ tịch Viện Bảo hiến sẽ ngồi ghế Chánh án.

Ban Điều tra của Đặc biệt Pháp viện gồm năm Dân biểu do Quốc hội bầu ra mỗi nhiệm kỳ. Đặc biệt Pháp viện họp để nghe Ban Điều tra và đương sự trình bày và phán quyết theo đa số ba phần tư tổng số nhân viên.

  • Viện bảo Hiến

Viện Bảo hiến đưa ra các phán quyết về tánh cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật và quy tắc hành chánh.

Viện Bảo hiến, về mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, gồm có: Một Chủ tịch do Tổng thống cử ra với sự chấp thuận của Quốc hội, kèm theo 4 Thẩm phán cao cấp hay luật gia do Tổng thống cử; kèm theo 4 Dân biểu do Quốc hội cử.

Hành chính địa phương

Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa được chia thành các Tỉnh. Thành phố thủ đô được gọi là Đô thành

  • Đô thành là Sài Gòn
  • Cấp tỉnh: đứng đầu là tỉnh trưởng. Vào thời Đệ Nhị Cộng hòa thì tỉnh trưởng luôn là quân nhân. Phó tỉnh trưởng mới là dân sự.
  • Cấp quận: đứng đầu là quận trưởng. Cấp thị xã: đứng đầu là đô trưởng, thị trưởng
  • Cấp xã: đứng đầu là xã trưởng

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt_Nam_Cộng_hòa http://74.125.153.132/search?q=cache:a_Vftqk5on4J:... http://www.bbc.com/vietnamese/specials/170_viet_st... http://books.google.com/books?id=Ty7NAG1Jl-8C&pg=P... http://huongduongtxd.com/offshoreoilexploration.pd... http://www.mobility-consultant.com/fileadmin/pdf/a... http://quangduc.com/lichsu/13nienbieupgvn3.html http://www.rsssf.com/tablesz/zviet-intres.html http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-45949919.htm... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent...